Thuốc trừ sâu sinh học là gì? Các loại thuốc trừ sâu sinh học hiện nay
Việc sử dụng nhiều thuốc hóa học trừ dịch hại cây trồng trong thời gian qua đã mang lại những lợi ích to lớn đối với sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống con người. Tuy vậy các loại thuốc hóa học có độ độc cao với và các loài sinh vật, tồn tại lâu trong môi trường nên sau một thời gian sử dụng lâu dài đã dẫn đến nhiều hậu quả xấu như: ô nhiễm môi trường sống, có hại cho sức khỏe con người, tiêu diệt mất nhiều sinh vật có ích, làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên. Có trường hợp dùng nhiều thuốc hóa học, sâu bệnh không giảm mà lại phát sinh gây hại nhiều hơn do diệt nhiều thiên địch và làm sâu kháng thuốc
Để hạn chế sử dụng thuốc hóa học mà vẫn phòng trừ dịch hại tốt, có 2 biện pháp quan trọng là áp dụng phương pháp quản lí dịch hại tổng hợp (IMP) và tăng cường sử dụng các thuốc sinh học. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học là biện pháp quan trọng trong hệ thống các biện pháp phòng trừ sinh học nói chung.
Vậy thuốc trừ sâu sinh học là gì? Các loại thuốc trừ sâu sinh học hiên nay? Cơ chế tác dụng của thuốc sâu sinh học như thế nào? Chế phẩm vi sinh sẽ cung cấp các thông tin hữu ích để giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về các loại thuốc trừ sâu sinh học hiện nay
1. Thuốc trừ sâu sinh học là gì?
Thuốc trừ sâu sinh học nói chung bao gồm các chế phẩm dùng để phòng trừ vi sinh vật gây hại tài nguyên thực vật, các chế phẩm có tác dụng xua đuổi hoặc thu hút các sinh vật gây hại cây trồng đến để tiêu diệt.
Những sinh vật gây hại tài nguyên thực vật ( còn gọi là dịch hại) bao gồm: sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột và tác nhân sinh vật gây hại khác.
Thuốc trừ sâu sinh học được tạo thành bởi 2 nguồn cơ bản là từ các vi sinh vật trừ sâu bệnh và chiết rút từ các chất có nguồn gốc thảo mộc tự nhiên. Chính vì vậy, thuốc trừ sâu sinh học bao gồm 2 nhóm, đó là: thuốc trừ sâu vi sinh và thuốc trừ sâu thảo mộc
Thuốc trừ sâu vi sinh là loại thuốc trừ sâu sinh học được tạo ra bằng phương pháp công nghệ sinh học. Sử dụng hoạt tính của vi sinh vật hữu hiệu có thể ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh ( vi khuẩn, nấm, virus …). Nổi bật nhất là loại thuốc trừ sâu vi sinh Bt ( Bacillus thuringiensis). Bt sinh trưởng và tiết ra một loại protein chỉ độc hại đối với sâu bệnh hại cây trồng.
Thuốc trừ sâu thảo mộc ( thuốc trừ sâu hữu cơ) là loại được chiết tách các chất có khả năng trừ sâu bệnh trong cơ thể thực vật, thảo mộc. Điểm hình như các chất trừ sâu nhóm cúc tổng hợp ( Pyrethroid) dựa vào cấu tạo của chất Pyrethrin có trong cây cúc trừ trùng.
Các thuốc trừ sâu sinh học ngày càng có vai trò quan trọng và được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp do có nhiều đặc điểm tốt só với thuốc hóa học, nhất là đối với sức khỏe con người và môi trường
2. Ưu nhược điểm của thuốc trừ sâu sinh học
2.1 Ưu điểm của thuốc sâu sinh học
– Thay thế các loại thuốc trừ sâu hóa học gây hại tới con người ( dư lượng thuốc BVTV), môi trường sống
– Sử dụng an toàn với sức khỏe con người và môi trường
– Không gây hại cho các hệ sinh thái vi sinh vật hữu hiệu của đất, cây trồng. Tác dụng tiêu diệt sâu bệnh dựa trên cơ chế gây độc sinh học và đúng đối tượng gây hại.
– Rút ngắn thời gian cách ly nông sản, thực phẩm sử dụng
– Dư lượng độc trên nông sản rất ít ( hầu như không có)
– Tăng sức đề kháng cho cây trồng
– Phổ tác dụng rộng, hiệu lực thuốc sinh học kéo dài. Các chế phẩm trừ sâu vi sinh có khả năng lây lan và tồn tại trên cơ thể sâu hại một thời gian dài. Điều này có lợi do làm tăng lượng thiên địch ký sinh trên đồng ruộng góp phần hạn chế sâu hại
– Khống chế nhiều loại bệnh cho một loại cây trồng
– Thuốc trừ sâu thảo mộc đơn giản, dễ làm, dễ tìm kiếm nguyên liệu sản xuất, chi phí thấp.
2.2 Nhược điểm của thuốc trừ sâu sinh học
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, thuốc trừ sâu sinh học cũng có một số nhược điểm sau
– Hiệu lực trừ dịch hại tác dụng chậm: sau khi sử dụng khoảng 3 – 5 ngày thuốc mới thể hiện rõ, nhất là đối với các thuốc trừ sâu vi sinh: Bt, virus NPV và các nấm ký sinh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể sâu một thời gian để các vi sinh vật hoạt động và sản sinh chất độc gây bệnh cho sâu hoặc ký sinh phát triển trên cơ thể sau.
– Thời gian duy trì hiệu lực ngắn: Phần lớn các loại thuốc sâu sinh học đều dễ bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Đặc điểm này làm cho thuốc trừ sâu hữu cơ để lại ít dư lượng trên nông sản. Các chế phẩm Bt và virus NPV phun vào buổi chiều mát để ban đêm sâu bò ra ăn phá sẽ bị nhiễm thuốc.
– Điều kiện bảo quản yêu cầu nghiêm ngặt: do thuốc trừ sâu sinh học dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường tự nhiên nên việc bảo quản yêu cầu nghiêm ngặt hơn các thuốc hóa học. Ánh sáng trực tiếp, nóng hoặc ẩm quá đều làm thuốc mau giảm hiệu lực. Đặc biệt chế phẩm vi khuẩn Samonella dùng diệt chuột phải bảo quản trong điều kiện lạnh dưới 150C
Tóm lại, so với các ưu điểm thì nhược điểm của thuốc trừ sâu sinh học là nhỏ và hoàn toàn có thể dễ dàng khắc phục, chỉ cần người sử dụng am hiểu để yên tâm và sử dụng đúng kỹ thuật theo đặc tính của từng loại thuốc.
3. Các loại thuốc trừ sâu sinh học
Dựa vào các thành phần chính trong thuốc sinh học BVTV, có thể chia các loại thuốc trừ sâu sinh học thành các nhóm chính sau:
– Thuốc trừ sâu vi sinh
– Các độc tố và kháng sinh
– Thuốc trừ sâu thảo mộc
– Các thuốc sinh học khác
3.1 Thuốc trừ sâu vi sinh
Thành phần chính của thuốc là các vi sinh vật (VSV) còn sống, có thể là nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng. Những vi sinh vật trong chế phẩm chủ yếu ở dạng tiềm sinh là các bào tử hoặc nang, có thể chịu được lâu dài trong các điều kiện sống không thuận lợi.
Đối với thuốc trừ sâu vi sinh, các vi sinh vật phải sống trong điều kiện khô hoặc lỏng với các chất phụ gia. Thời gian sống để duy trì hiệu lực không được quá ngắn, ít nhất 6 tháng để tiện cho việc bảo quản và sử dụng.
Sau khi sử dụng trên đồng ruộng gặp điều kiện thuận lợi, VSV sẽ phát triển và ký sinh trên cơ thể vật chủ thích hợp.
Các vi sinh vật trong chế phẩm cạnh tranh không gian sống, thức ăn, tiết ra kháng sinh, độc tố đối với các nấm bệnh, sâu bệnh hại cây trồng.
3.2 Các độc tố và kháng sinh
Các độc tố và kháng sinh là những chất được hình thành trong môi trường nuôi cấy vi sinh vật, được tách chiết ra để chế thành thuốc trừ sâu sinh học BVTV. Tạm thời có thể gọi độc tố là chất gây độc cho một cơ quan hoặc chức năng sinh lý trong cơ thể sinh vật, ở đây là với sâu hại ( điển hình là chất Avermectin)
Kháng sinh là những chất tác động lên hoạt động sống của các tế bào vi sinh vật gây bệnh ( điển hình như: Streptomycin, kasugamycin…).
3.3 Thuốc trừ sâu thảo mộc
Là những chất được tách chiết ra từ cơ thể thực vật, bao gồm cả dầu thực vật. Đây là những chất hữu cơ thứ cấp được tạo thành từ cơ thể thực vật, chủ yếu là Alkaloid và Phenol. Là những chất có hoạt tính sinh học cao nhưng trong cơ thể thực vật chức năng sinh lý của chúng không lớn.
Trong các thuốc trừ sâu sinh học hiện nay, các thuốc thảo mộc chiếm vị trí quan trọng và ngày càng phong phú do có hiệu lực cao, nguồn nguyên liệu dồi dào và tương đối dễ chế biến.
3.4 Các thuốc có nguồn gốc sinh học khác
Một số thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học khác như: Chitosan từ vỏ tôm cua, axit humic, axit fulvic từ than bùn, các acid amin thủy phân từ protein … Những chất này đamg được nghiên cứu và phát hiện, làm cho chủng loại thuốc BVTV sinh học ngày càng phong phú và đa dạng
Hiện nay, các loại dầu khoáng cũng được sử dụng để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Tuy không có nguồn gốc trực tiếp từ sinh vật song dầu khoáng là sản phẩm tự nhiên, có nhiều đặc điểm như một loại thuốc sâu sinh học. Đặc biệt, dầu khoáng có độ an toàn cao với con người và môi trường
Ngoài cách phân loại theo thành phần, dựa vào đối thượng phòng trừ mà các loại thuốc trừ sâu sinh học được chia thành các nhóm: nhóm thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ chuột, thuốc trừ ốc, thuốc điều hòa sinh trưởng thực vật.
4. Cơ chế tác dụng của thuốc trừ sâu sinh học
4.1 Phương thức tác động
Phương thức tác động của các loại thuốc trừ sâu sinh học rất đa dạng.
– Các thuốc vi sinh trừ sâu như Bt, virus NPV chỉ tác dụng qua đường vị độc
– Các nấm ký sinh Beauveria, Metarhizium thì tác động qua đường tiếp xúc
– Thuốc trừ sâu thảo mộc và nhóm độc tố thì tác động qua cả 2 con đường là tiếp xúc và vị độc
– Ngoài ra các chất thảo mộc còn có khả năng xua đuổi và xông hơi nhẹ. Khả năng nội hấp rất ít, riêng nhóm kháng sinh trừ bệnh có thể nội hấp vào cây.
4.2 Cơ chế tác dụng của thuốc sâu sinh học
Các thuốc sinh học trừ sâu chủ yếu là tác động lên hệ thần kinh. Ngoài ra còn tác động lên hệ hô hấp ( dầu thực vật), hệ thống tiêu hóa ( thuốc trừ sâu Bt), tác động xua đuổi ( thuốc thảo mộc, dầu thực vật)
Các chế phẩm nấm trừ sâu sống ký sinh bằng chất dinh dưỡng trong cơ thể sâu.
Đối với các loại thuốc sinh học trừ bệnh, có 2 tác động chủ yếu là kháng sinh và kích thích hoạt động của hệ thống kháng bệnh trong cây.
Các chất kháng sinh phòng trừ vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng tương đối nhiều như các chất: Streptomycin, Kasugamycin, Subtilis, Ningnamycin, Polyoxin, Tetramycin,Gentamycin, Validamycin…
Cơ chế tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch của cây trồng hiện đang được chú ý phát triển mạnh. Trong cây có một hệ thống các men ( emzyme) làm nhiệm vụ giúp cây đề kháng lại với các tác nhân gây bệnh.
Hệ thống kháng bệnh là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đối với đời sống của cây. Hiện nay có nhiều chất sinh học tác động theo cơ chế này như: axit humic, các hợp chất chitosan, phenol, axit salicylic …
Thuốc sinh học phòng trừ tuyến trùng gây bệnh cho cây có các chất Chitosan và Cytokinin. Các chất này có tác dụng làm phân tán tuyến trùng ra xa vùng rễ cây, hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của tuyến trùng trong đất.
Chất Saponin gốc thảo mộc dùng trừ ốc bươu vàng do làm mất chất nhờn ở miệng, miệng ốc cứng lại không hoạt động ăn phá được nên bị chết
Vi khuẩn Samonella gây bệnh đường tiêu hóa cho chuột.
4.3 Hiệu lực phòng trừ
Các loại thuốc trừ sâu sinh học tác động lên hệ thần kinh và hô hấp thường hiệu quả nhanh, sau nhiễm thuốc thời gian ngắn sâu đã chết, tương tự như các thuốc hóa học khác, điển hình là nhóm Avermectin và các thuốc thảo mộc
Các thuốc tác động lên hệ tiêu hóa ( vi khuẩn Bt) và các nấm ký sinh biểu hiện hiệu quả chậm hơn, thường là sau vài ngày mới thấy.
Dù tác động qua con đường nào và với cơ chế như thế nào thì nói chung sau khi sâu nhiễm thuốc chỉ vài giờ là sâu có biểu hiện yếu đuối, hoạt động chậm chạp, sức ăn phá kém. Như vậy, thực chất đã hạn chế được tác hại, chỉ chờ thời gian ngắn nữa là sâu chết hẳn
Các loại thuốc kháng sinh trừ bệnh thể hiện hiệu quả nhanh. Thuốc tác động theo cơ chế kích thích hệ miễn dịch kháng thể thường biểu hiện chậm và kém dài và phải dùng sớm, dùng liên tục nhiều lần mới có hiệu quả rõ rang
Thời gian duy trì hiệu lực của thuốc trừ sâu sinh học có khác nhau. Các nhóm thảo mộc, độc tố và kháng sinh dễ bị tác động bởi điều kiện môi trường nên thời gian duy trì hiệu lực ngắn. Sau khi phun thuốc sinh học lên cây trông điều kiện bình thường, không bị mưa rửa trôi, các thuốc này chỉ giữ hiệu lực phòng trừ sâu bệnh tối đa không quá 12h, hiệu lực nhanh nhưng cũng mau giảm, cần được sử dụng đúng lúc.
Các thuốc trừ sâu nhóm vi sinh ( vi khuẩn, nấm và virus) thời gian hiệu lực kéo dài nếu gặp điều kiện môi trường thích hợp. Thậm chí các vi sinh vật này có thể lây lan bệnh cho sâu và tiếp tục phát triển tích lũy trong tự nhiên, góp phần hạn chế sự phát sinh tác hại của sâu bệnh trong một thời gian dài.
Việc sử dụng chế phẩm nấm ký sinh như: Beauveria, Metarhizium và nấm Trichoderma … làm tăng lượng thiên địch ký sinh, giữ gìn sự cân bằng sinh thái đồng ruộng theo hướng có lợi.
4.4 Tính kháng thuốc của sâu
Tính quen thuốc rồi trở lên kháng thuốc của sâu là một hiện tượng tự nhiên. Bất kỳ một loại thuốc trừ sâu nào nếu dùng liên tục thời gian dài cũng có thể làm phát sinh tính quen thuốc và kháng thuốc của sâu. Sâu kháng thuốc xảy ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào đặc tính của loài sâu và loại thuốc.
Đối với các loại sâu đã quen thuốc hóa học, việc chuyển sang sử dụng thuốc trừ sâu sinh học làm hiệu quả trừ sâu tăng lên rõ rệt. Nhiều bà con ở các vùng trồng rau cũng ghi nhận điều này qua việc sử dụng các chế phẩm Bt và Avermectin phòng trừ sâu tơ.
Nguồn bài viết: Thuốc trừ sâu sinh học là gì? Các loại thuốc trừ sâu sinh học hiện nay
source https://chephamvisinh.vn/thuoc-tru-sau-sinh-hoc/
Nhận xét
Đăng nhận xét